Sơn La: Được mùa dưa bở, dưa lê

2021-05-06 09:32:00

Những năm gần đây, người dân bản Chiềng Ban, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã lựa chọn các loại dưa lê, dưa bở vào trồng trên diện tích đất ruộng 1 vụ. Cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo .

Dưa lê ở bản Chiềng Ban luôn được người tiêu dùng ưa chuộng
Dưa lê ở bản Chiềng Ban luôn được người tiêu dùng ưa chuộng

Mời chúng tôi thưởng thức dưa bở thơm nức, anh Hà Văn Dương, Trưởng bản Chiềng Ban cho biết: Bản có gần 200 hộ dân với 105 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngày trước, người dân chủ yếu trồng ngô, từ năm 2015, trong một lần xuống thăm họ hàng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình), Trưởng bản Dương thấy người dân ở đây trồng nhiều dưa bở, dưa lê cho thu nhập kinh tế cao nên đã xin ít giống về trồng thử. Sau hơn 3 tháng, dưa bở cho thu hoạch, quả thơm ngon, được giá, vậy là các hộ dân học trồng theo. Năm nay, cả bản có 85 hộ trồng gần 20 ha dưa lê và dưa bở; năng suất dưa bở đạt từ 8-10 tấn/ha; dưa lê từ 7-8 tấn/ha; sản lượng đạt gần 200 tấn dưa/vụ. Bán giá dưa bở từ 10.000-12.000 đồng/kg; dưa lê 20.000-25.000 đồng/kg, các hộ ở bản có tổng thu hơn 3 tỷ đồng/vụ, trung bình mỗi hộ được thu hơn 35 triệu đồng/vụ.

Theo Trưởng bản Chiềng Ban vào khu vực trồng dưa ở bản, chúng tôi chung niềm vui được mùa dưa với bà con nông dân. Gia đình anh Hoàng Văn Đông năm nay trồng 5.000 m² dưa lê và dưa bở. Từ đầu vụ có mưa, nên dưa phát triển tốt. Đến nay, gia đình anh đã thu được 1,5 tấn dưa bở bán cho thương lái với giá 10-13 nghìn đồng/kg, 5 tạ dưa lê bán giá từ 20-25 nghìn đồng/kg với tổng thu hơn 25 triệu đồng. Dự kiến hết vụ dưa năm nay, gia đình anh Đông thu khoảng 40 triệu đồng.

Bên cạnh ruộng dưa nhà anh Đông, gia đình chị Lường Thị Thuyền cũng đang thu hoạch dưa bán cho thương lái. Chị Thuyền chia sẻ: Nhà có 6.000 m² trồng dưa lê và dưa bở. Do dưa lê được giá, nên nhà tôi trồng 4.000 m², còn lại trồng dưa bở. Dưa là loại cây ưa các loại phân hữu cơ, điều kiện đất ẩm nhưng dễ bị úng nước. Khi trồng, tôi phủ nilon kín các luống dưa để chống cỏ, sâu bệnh và hạn chế nước mưa vào gốc cây. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng trồng cây dưa sẽ cho thu hoạch. Năm nay, dưa được mùa, được giá; dự kiến hết vụ dưa năm nay, gia đình tôi thu hơn 80 triệu đồng.

Qua tìm hiểu được biết, dưa bở và dưa lê ở bản Chiềng Ban bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 5. Những quả dưa chín thơm mát, ngọt dịu như đền đáp công sức chăm sóc của người nông dân. Cứ đến vụ thu hoạch dưa là thương lái từ các huyện: Mai Sơn, Thành phố và một số huyện của tỉnh Hòa Bình đến tận nơi để mua dưa về bán. Các hộ dân trong bản còn bày bán dưa ở ven quốc lộ 6, nhộn nhịp khách mua. Các hộ dân bản Chiềng Ban 2 thường trồng các giống dưa lê Phú Điền, Ngân Huy, Cony F1 siêu ngọt và dưa bở Hưng Nông. Dưa bở ở đây có vỏ màu xanh, ruột màu trắng bở tung, thịt dưa cát mịn và có vị ngọt thanh. Còn dưa lê có màu trắng, vị thơm mát, ngọt đậm.

Cây dưa bở, dưa lê trồng trên địa bàn xã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với một số bản đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa để nhân dân thấy hiệu quả làm theo; tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày không hiệu quả sang trồng dưa; phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Hướng phát triển sẽ vận động các hộ dân thành lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.

Mô hình chuyển đổi diện tích trồng dưa tại bản Chiềng Ban đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân. Song mới chỉ là phát triển tự phát, cần xây dựng công tác quy hoạch vùng trồng; quản lý giám sát chất lượng; quảng bá, phát triển thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá, giúp bà con tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập.


Chia sẻ:

Tin cùng danh mục Xem tất cả >>

Nghị lực của ông Lẩn

Ông Bùi Ngọc Lẩn ở thôn Tây Sơn (xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu) luôn được nhiều người cảm phục và yêu mến, bởi ông không chỉ là một bệnh binh có nghị lực vươn lên thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong thôn.

Về Ngọc Bay gặp những nông dân triệu phú

Không nằm trong diện xã điểm nông thôn mới (NTM), tuy nhiên nhờ biết phát huy vai trò của những người nông dân sản xuất giỏi, việc xây dựng NTM ở xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum (Kon Tum) đang có những chuyển biến tích cực.

Đảng viên trẻ dân tộc S’tiêng Điểu Khối Đệ: Phấn đấu cho mình và cho mọi người

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã biên giới Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, anh Điểu Khối Đệ, 30 tuổi, người S’tiêng luôn phấn đấu và trở thành cán bộ đảng viên trẻ năng nổ trong các hoạt động phong trào ở địa phương.

Phát triển cây dược liệu ở Nghệ An

Với lợi thế là tỉnh giàu tài nguyên dược liệu sẵn có; đa dạng, phong phú chủng loại dược liệu quý hiếm, Nghệ An định hướng trong tương lai sẽ phát triển thành vùng trung tâm dược liệu của cả nước. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn dược liệu, tỉnh cần đề ra những giải pháp, cơ chế quản lý, khai thác và nuôi trồng hợp lý.

Sắc Xuân trên những cánh đồng thu nhập cao

Tết Nguyên đán đang cận kề, không khí mùa Xuân ngập tràn ở khắp đường làng, ngõ xóm, len lỏi đến từng nhà. Và trên những cánh đồng trồng rau, trồng hành ở Bình Định, bà con nông dân đang nô nức xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch, nơi thì tích cực chăm sóc những luống rau vừa xuống giống cho kịp bán Tết.

“Nương treo” trên đỉnh Mã Pì Lèng

Ai đã từng vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chắc hẳn sẽ có chung cảm giác rờn rợn bởi độ sâu khoảng 800m của vực Tu Sản. Có người qua đây còn không dám nhìn xuống, thế nhưng, giữa lưng chừng đỉnh đèo, người dân vẫn phải từng ngày, từng giờ “bám đá” mưu sinh.