Kỹ thuật nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo cho bò trong nông hộ

2022-03-28 14:49:38

Trong chiến lược tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình. Trong đó, việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề để nâng cao chất lượng bộ giống của Quốc gia.

TTNT có nhiều ưu điểm như: nhân nhanh được các tiến bộ di truyền giống có tính trạng tốt, tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm qua đường phối giống tự nhiên. TTNT còn giúp công tác quản lý Nhà nước về con giống thống nhất được trên phạm vi toàn quốc, khỏa lấp những hạn chế về không gian, thời gian do tinh đông lạnh có thể bảo quản trong thời gian dài. Tuy nhiên, với tiến trình hội nhập hiện nay công tác lai tạo giống vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, quy mô và hiệu quả còn hạn chế.

Để giúp cho việc nâng cao hiệu quả của phương pháp TTNT cho đàn bò trong nông hộ cần quan tâm các biện pháp kỹ thuật sau:  

1. Công tác quản lý bò cái giai đoạn chờ phối

Bò cái phải được quản lý và theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện động dục kịp thời. Bò cái sau khi đẻ từ 1,5 tháng phải chú ý vì đã có thể, có khả năng động dục. Đặc biệt chú ý theo dõi quản lý bò cái ở giai đoạn  từ 3- 5 tháng sau khi đẻ vì đây là giai đoạn động dục trở lại phổ biến (trên 85%) trong quy mô đàn.   

2. Cần nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, về vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với bò cái sinh sản

Nếu bò cái được ăn khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng sẽ động dục đều đặn theo đúng chu kỳ tính, sau 3 tháng đẻ nuôi con có trên 85% số cá thể động dục trở lại với chu kỳ 21 - 23 ngày/lần, đồng thời biểu hiện rõ các đặc trưng về tính.

Nhu cầu dinh dưỡng của bò cái lai Zêbu chờ phối và chửa trong nông hộ: Từ 30 - 35 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg thức ăn ủ chua, cỏ khô, 1,0 -1,5 kg thức ăn tinh/ngày, đá liếm khoáng treo đầu chuồng liên tục để bổ sung vi lượng. Bò mẹ nuôi con giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng bổ sung thêm 1,5 - 2 kg thức ăn tinh.

(Lưu ý nếu bò nuôi nhốt phải bổ sung khoáng vi lượng. Nếu thiếu khoáng vi lượng bò không động dục trở lại).

Với khẩu phần dinh dưỡng cân đối đủ năng lượng, đạm, khoáng đa -vi lượng bò sẽ động dục theo đúng chu kỳ sinh sản.

3. Tập huấn cho người chăn nuôi cách phát hiện bò động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp

Phát hiện bò cái động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phối chửa, khoảng cách lứa đẻ và năng suất sinh sản. Để phát hiện bò cái động dục chính xác và hiệu quả, cần có sổ sách ghi chép các số liệu sinh sản như tuổi, lứa đẻ, ngày đẻ, khối lượng bê sơ sinh, thời gian nuôi con.

- Đến giai đoạn sau khi đẻ từ 3 tháng trở đi phải quản lý khi chăn thả và theo dõi biểu hiện động dục của bò cái 2 lần/ngày (sáng/chiều).

- Khi thấy trong đàn con này nhảy lên con kia là đã có một con nào đó trong đàn động dục, cần tiếp cận kiểm tra các biểu hiện bộ phận sinh dục của bò cái trong diện sinh sản.

- Bò cái động dục sẽ có các quá trình biểu hiện:

Giai đoạn 1: Kêu la, chạy…

Giai đoạn 2: Bỏ ăn nhảy lên con khác, đồng thời niêm dịch lỏng chảy dài.

Giai đoạn 3: Không hoặc giảm kêu và nhảy lên con khác, niêm dịch khô bết hoặc chỉ còn vết dính. Đây là thời điểm phối giống hiệu quả cao nhất đạt trên 85%. Nếu sáng phát hiện động dục thì chiều phối giống. Chiều tối phát hiện động dục thì sáng hôm sau phối giống.   

Cũng có thể sử dụng những biện pháp hỗ trợ phát hiện động dục khác như  dùng bò đực thí tình.

4. Nâng cao trình độ kỹ thuật cho dẫn tinh viên

- Dẫn tinh viên phải nắm vững quy trình bảo quản tinh, tinh phải liên tục ngập sâu trong ni tơ lỏng, khi lấy ra sử dụng phải giải đông ở 380C trong vòng 15 giây và sử dụng ngay không để quá 15 phút bên ngoài.

- Dẫn tinh viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề. Nếu dẫn tinh viên có trình độ tay nghề cao thì khi kiểm tra bộ phận sinh dục bò cái xem độ cứng, mềm cổ tử cung có thể xác định được thời điểm phối giống thích hợp.

- Vô trùng dụng cụ khi phối giống, để tránh gây viêm nhiễm bò cái.  

Nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp trên sẽ nâng cao hiệu quả của TTNT cho bò trong nông hộ, nhanh chóng lai tạo và chuyển đổi đàn bò địa phương thành đàn bò lai có năng suất chất lượng cao, có khả năng đáp ứng và theo kịp tiến trình hội nhập hiện nay./.

Nguồn: Nguyễn Thị Hải - TTKNQG


Chia sẻ:

Tin cùng danh mục Xem tất cả >>

Cách phòng và trị bệnh viêm vú trên bò sữa

Bệnh viêm vú trên bò sữa là một trong những bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò sữa, hầu hết các vùng chăn nuôi bò sữa đều gặp phải, bệnh thường gây hại trên bò trong giai đoạn khai thác sữa, làm giảm năng suất, sức sinh sản thậm chí gây chết bò nếu không điều trị kịp thời. Dưới đây xin hướng dẫn bà con chăn nuôi cách nhận biết và phòng trị bệnh viêm vú trên bò sữa.

Hướng lai tạo các giống bò chuyên thịt ở Việt Nam

Bò lai Zebu có nhiều đặc tính quý, đã khắc phục được các nhược điểm của bò Vàng.

Quản lý chuồng trại trong chăn nuôi bò sữa theo VIETGAHP

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân cần những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, sản phẩm sạch. Trong đó, sữa bò sạch và an toàn phải đảm bảo không có dư lượng thuốc kháng sinh; không mang các mầm bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,… Muốn vậy, người chăn nuôi bò sữa cần phải thực hiện quy trình chăn nuôi theo VIETGAHP.

Thức ăn cho bê giai đoạn sau cai sữa (6 - 21 tháng tuổi)

Thời kỳ này bê chuyển từ thức ăn là sữa mẹ sang thức ăn thô xanh và một phần thức ăn tinh. Giai đoạn này nếu nuôi dưỡng không tốt sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sau này của bê. Nên phân đàn bê thành nhóm có tuổi, thể trọng tương đồng để dễ chăm sóc và quản lý.