Nâng cao khả năng sinh sản đàn trâu ở địa phương

2022-03-28 15:07:04

Để nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn trâu bò cái, chúng ta cần phát hiện nguyên nhân gây nên tình trạng không bình thường trong quá trình sinh sản của trâu bò. Các nguyên nhân đó có thể là: dinh dưỡng, tổ chức phối giống, quản lý sử dụng, thời tiết…

Ở nước ta hiện nay chăn nuôi trâu bò còn phân tán, quy mô nhỏ, chăn nuôi theo phương thức quảng canh và do đặc điểm của từng địa phương nên tồn tại hai kiểu chăn nuôi đó là: chăn dắt và chăn thả do đó mỗi địa phương có những biện pháp hữu hiệu khác nhau để nâng cao tỷ lệ đẻ song tập trung có một số biện pháp sau:

 

1. Tổ chức phối giống tốt

- Đối với đàn trâu bò cày kéo, trâu bò đàn phối giống bằng phương thức nhảy trực tiếp trước hết phải bố trí:

+ Đủ đực (20-30 cái/ 1 con đực)

+ Phân bố đực hợp lý

Ở nông thôn do đặc điểm quần cư của từng vùng, có tập quán sinh hoạt, sản xuất chăn thả trâu bò tương đối độc lập, cho nên nhiều khi theo số liệu thống kê của địa phương có thể là số liệu đực đủ, là phù hợp với số lượng gia súc cái, song nhiều trường hợp đực giống chỉ tập trung ở một vài xóm còn ở các xóm khác không có đực giống do vậy khi trâu bò cái động dục thì không có đực. Trong các trường hợp như vậy cần phải tổ chức tạo điều kiện cho đực cái gặp nhau. Điều này rất có ý nghĩa đối với các vùng đồng bằng phương thức chăn dắt là phổ biến, và càng đặc biệt đối với đàn trâu khi có tỷ lệ động dục ngầm cao.

Biện pháp có thể là dùng đất đầu làng, cuối xóm làm bãi chơi chung cho trâu bò. Hàng ngày trước và sau khi đi chăn dắt, đi làm trâu bò được tập trung lại một nơi thuận tiện nhất để sinh hoạt sinh dục. Đây là biện pháp rẻ tiền và có hiệu quả cao.

- Đối với đàn trâu bò phối tinh nhân tạo trước hết phải có đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề cao. Việc phát hiện và phối giống kịp thời, đúng thời điểm mang tính chất quyết định đến việc nâng cao tỷ lệ đẻ do vậy yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải thường xuyên bám sát đàn gia súc. Vấn đề ghi chép, theo dõi con giống phải tốt, đặc biệt ở các trang trại quy mô lớn.

2. Các biện pháp kỹ thuật khác

- Thường xuyên nâng cao chất lượng đực giống bằng cách chọn lọc tốt, những con không thể làm giống thì kiên quyết thiến.

- Thay đổi đực giống giữa làng này với làng khác để tránh hiện tượng cận huyết.

- Giải quyết tốt dinh dưỡng, chú ý cả con đực, con cái. Đặc biệt chú ý vào mùa sinh sản.

- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để khắc phục hiện tượng chậm sinh ở đàn gia súc bằng việc sử dụng các kích tố hoặc thông qua việc sử dụng các loại thức ăn bổ sung có chứa các chất có hoạt tính sinh học cao nhằm kích thích hoạt động sinh dục ở cả con đực và con cái.

- Vấn đề thú y phải thực hiện tốt, đặc biệt là phòng và điều trị các bệnh về đường sinh dục.

- Loại thải kịp thời những con khả năng sinh sản và sức sản xuất thấp.

3. Có chính sách đúng đắn

Nhà nước hay từng địa phương phải có các chủ trương chính sách đúng đắn để khuyến khích người nông dân quan tâm thực sự đến vấn đề sinh sản của gia súc như là vấn đề trợ giá cho gia đình chăn nuôi đực giống. Chính sách mua bán gia súc hoặc là vấn đề lưu thông, giao lưu buôn bán giữa các vùng, giữa các quốc gia.
 

Nguồn: Khoa Học Cho Nhà Nông

Chia sẻ:

Tin cùng danh mục Xem tất cả >>

Kỹ thuật nuôi và vỗ béo trâu thịt

Ở nước ta, nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo nên tiềm năng sản xuất trâu thịt hầu như không được chú ý đến. Thực chất thịt trâu giống như thịt bò về nhiều tính chất cơ bản: cấu trúc, thành phần hoá học, giá trị dinh dưỡng, vị ngon. Thịt nghé non, trâu tơ hoặc trâu nuôi chuyên thịt là loại thịt rất ngon, giá bán rất cao.

Phòng trị bệnh lở mồm long móng ở trâu bò

Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và một số loài thú hoang, có thể lây từ súc vật sang người. Ở nước ta, hàng năm bệnh thường xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và Việt - Campuchia, gây nhiều thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi trâu bò. Bệnh do virut LMLM gây ra và lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Chẩn đoán trâu có thai

Có nhiều phương pháp chẩn đoán có thai ở trâu:

Nuôi dưỡng và chăm sóc nghé non

Ở nghé sơ sinh, dạ dày cũng đủ 4 túi như trâu, nhưng dạ múi khế chiếm gần 50% thể tích và là nơi tiêu hoá chính của nghé. Sữa bú từ vú mẹ không đi vào dạ cỏ mà được chuyển trực tiếp xuống dạ múi khế thông qua rãnh thực quản. Trong bốn tuần đầu sau khi sinh, tiêu hoá của nghé gần giống như ở gia súc dạ dày đơn, sau đó dạ dày phát triển dần và tiêu hoá 4 túi được hình thành.