Sắc Xuân trên những cánh đồng thu nhập cao

2018-01-19 12:49:00

Tết Nguyên đán đang cận kề, không khí mùa Xuân ngập tràn ở khắp đường làng, ngõ xóm, len lỏi đến từng nhà. Và trên những cánh đồng trồng rau, trồng hành ở Bình Định, bà con nông dân đang nô nức xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch, nơi thì tích cực chăm sóc những luống rau vừa xuống giống cho kịp bán Tết.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, về cánh đồng thu nhập cao của HTX Thuận Nghĩa, huyện Tây Sơn chứng kiến bà con nông dân hăng say lao động trong không khí tươi vui, rộn rã đầy ắp tiếng cười. Với công thức thâm canh, một năm bà con nông dân Thuận Nghĩa làm được 5 vụ, cung cấp rau quanh năm cho thị trường.

Nông dân Thuận Nghĩa thu hoạch rau màu. Nông dân Thuận Nghĩa thu hoạch rau màu.

 

Ngoài ra, còn cơ cấu thêm vụ rau Tết. Trong vụ rau này, bà con chủ yếu trồng các loại như cúc, ngò (mùi), cải xanh, cải ngọt… không chỉ phục vụ cho nhân dân trên địa bàn huyện mà còn cung cấp rau cho nhiều địa phương khác trong tỉnh. Chị Lê Thị Phu, một người dân trồng rau ở Thuận Nghĩa tâm sự: Với điều kiện đất đai ở đây, chúng tôi chuyên thâm canh rau màu nên trên đồng lúc nào cũng có màu xanh. Đặc biệt, chúng tôi được HTX hướng dẫn cách trồng rau an toàn, sử dụng những giống rau chất lượng cao, được bao tiêu sản phẩm nên giá cả ổn định và có thu nhập cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa.

Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Thuận Nghĩa phấn khởi: Dù thời tiết năm nay không thuận lợi, nắng nhiều nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây trồng nhưng những cánh đồng rau vẫn cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/ha. Có thể nói, người dân Thuận Nghĩa có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, xây cất nhà cửa khang trang, con cái đi học đến nơi đến chốn đều nhờ trồng rau. Tết này bà con trồng được hơn 18ha, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 140 tấn rau các loại. Số tiền thu được cũng đủ cho bà con trang trải cho một cái Tết tươi vui, đầm ấm.

Rời làng rau Thuận Nghĩa, chúng tôi đến vùng trồng rau màu Hữu Giang, xã Tây Giang, Tây Sơn, sắc Xuân cũng đang tràn ngập trên những cánh đồng nơi đây. Anh Nguyễn Văn Sỹ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn cho biết: Cả thôn có trên 100ha đất màu, chuyên trồng các loại rau màu như đậu phộng, đậu, xanh, bắp và nhiều loại rau, thu nhập từ 150-200 triệu/ha. Vụ này bà con trong thôn cũng trồng được hơn 3ha rau quả, chủ yếu là khổ qua và dưa leo, hiện đang cho thu hoạch và kéo dài đến sau Tết, với giá cả như hiện nay, mỗi sào có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, số tiền thu được sẽ giúp cho bà con mua sắm và chuẩn bị đón Tết.

Từ nhiều năm nay, Cát Hải được đánh giá là xã có nhiều cánh đồng thu nhập cao. Bằng cách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn nhiều giống cây chất lượng cao, mùa vụ hợp lý, áp dụng phương pháp canh tác xen canh, luân canh, nhiều nông dân xã Cát Hải đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Người dân đang khẩn trương thu hoạch những luống hành trái vụ để kịp bán lấy tiền sắm Tết và tất bật chăm sóc cho số hành đúng vụ chờ ra Giêng thu hoạch.

Theo ông Trần Quang Vinh, ở thôn Tân Thanh, Cát Hải: trồng hành trái vụ bán được giá nên thu nhập cao nhưng trồng vụ này, thời tiết không thích hợp với cây hành nên rất dễ bị bệnh, do đó người dân không dám trồng nhiều. Năm nay, gia đình ông trồng hơn 1 sào, bán cũng được hơn 10 triệu đồng, đủ tiền để sắm Tết.

Đến nhiều cánh đồng khác nhau vào dịp cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí mùa Xuân đã theo chân người nông dân từ cánh đồng về nhà. Bởi nhờ thu nhập cao, nhiều hộ nông dân đã có điều kiện xây dựng nhà mới, mua sắm thêm trang thiết bị vật dụng trong nhà và Tết cũng trở nên đầm ấm hơn.

LÊ PHƯƠNG


Chia sẻ:

Tin cùng danh mục Xem tất cả >>

Nghị lực của ông Lẩn

Ông Bùi Ngọc Lẩn ở thôn Tây Sơn (xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu) luôn được nhiều người cảm phục và yêu mến, bởi ông không chỉ là một bệnh binh có nghị lực vươn lên thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong thôn.

Về Ngọc Bay gặp những nông dân triệu phú

Không nằm trong diện xã điểm nông thôn mới (NTM), tuy nhiên nhờ biết phát huy vai trò của những người nông dân sản xuất giỏi, việc xây dựng NTM ở xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum (Kon Tum) đang có những chuyển biến tích cực.

Đảng viên trẻ dân tộc S’tiêng Điểu Khối Đệ: Phấn đấu cho mình và cho mọi người

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã biên giới Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, anh Điểu Khối Đệ, 30 tuổi, người S’tiêng luôn phấn đấu và trở thành cán bộ đảng viên trẻ năng nổ trong các hoạt động phong trào ở địa phương.

Phát triển cây dược liệu ở Nghệ An

Với lợi thế là tỉnh giàu tài nguyên dược liệu sẵn có; đa dạng, phong phú chủng loại dược liệu quý hiếm, Nghệ An định hướng trong tương lai sẽ phát triển thành vùng trung tâm dược liệu của cả nước. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn dược liệu, tỉnh cần đề ra những giải pháp, cơ chế quản lý, khai thác và nuôi trồng hợp lý.

“Nương treo” trên đỉnh Mã Pì Lèng

Ai đã từng vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chắc hẳn sẽ có chung cảm giác rờn rợn bởi độ sâu khoảng 800m của vực Tu Sản. Có người qua đây còn không dám nhìn xuống, thế nhưng, giữa lưng chừng đỉnh đèo, người dân vẫn phải từng ngày, từng giờ “bám đá” mưu sinh.

Khởi sắc từ cây mía tím

Đến huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vào thời điểm này, sẽ bắt gặp những cánh đồng mía tím trải bạt ngàn. Nhiều nông dân nhận định, so với cây lúa nước, thì mía tím cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần. Bởi vậy, bà con dân tộc thiểu số nơi đây vui với cây mía tím, bởi loại cây này giúp họ đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống.